Tags


*Note: Cảm nhận cá nhân, có thể sẽ bất đồng ý kiến với bạn khác. Đồng thời, tự mình cũng thấy, thực ra truyện này cũng khá nhẹ nhàng vui vẻ chứ không đến mức bi thảm như cách mình viết review . Vậy nên, bạn nào không chịu được những truyện buồn, thì cứ đọc truyện, đừng đọc bài viết này kẻo ảnh hưởng đến quyết định :D.

***

Tôi thường bảo, tôi có một nguyên tắc đọc sách. Cuốn sách nào tôi thích, tôi phải đọc ít nhất là 3 lần. Lần 1 để biết, lần 2 để hiểu, và lần 3, 3+1, 3+2… cho đến 3+n là để cảm nhận.

Nhưng tác phẩm ấy, tôi chỉ đọc duy nhất một lần, tại “nhà” chị Lam Anh.

Chẳng phải chỉ vì nó là truyện được dịch và đăng tải online, cho dù sự thật là tôi thích cảm giác được cầm sách trên tay, nhưng với những tác phẩm được chuyển ngữ trau chuốt thì dù phải đọc online hoặc tải ebook về máy, tôi vẫn xem trọng. Chẳng phải vì tôi không thích nó. Trái lại là khác. Nhưng càng thích, tôi lại càng đắn đo không dám đọc lại. Sợ một lần nữa bị cuốn trôi vào những cung bậc cảm xúc thăng trầm.

Giữa một rừng truyện đang được dịch/ edit online như hiện nay, tôi đến với Tam sinh tam thế bởi những đường link kết nối giữa blog các dịch giả, từ những lời khen ngợi dành cho cách dịch mượt mà và sự khéo chọn tác phẩm để dịch của chị Lam Anh, quan trọng nhất, là từ ấn tượng tốt đẹp của chính mình dành cho chị từ sau khi đọc một truyện khác cũng do chị chuyển ngữ. Để rồi, ngẩn ngơ nhận ra, “Tam sinh tam thế” khác xa “Bùn loãng cũng có thể trát tường”. Và cũng không giống với những truyện dịch online mà tôi thường đọc gần đây.

Một câu chuyện, lấy đi nhiều nước mắt, ngay từ chương tiền truyện. Đến mức tôi suýt bỏ ngang không dám đọc nữa, bởi quá sợ cái cảm giác đau thắt ngực khi dõi theo câu chuyện của người con gái ấy. Không chút danh phận, không cảm nhận được sự yêu thương quan tâm từ người đầu ấp tay gối mang thân phận cao quý xa vời, bụng mang dạ chửa lại biết rằng người ta vốn chọn mình chỉ để trả đũa một người con gái khác, đến cái tên Tố Tố gọi mình cũng vì chữ Tố Cẩm tên của người kia. Đứa con còn chưa kịp chào đời, người mẹ trẻ đã bị chính tay người mình thương lấy đi đôi tròng mắt để đền bù cho người kia bởi một nỗi oan khuất không giải thích nổi thành lời. Biết tin người kia được ban làm phi tần của người ta, chỉ phi tần thôi chứ chẳng phải chính thất, bởi lẽ người ta còn hôn ước với một người khác nữa, cũng chỉ đành cười nhạt. Dù là với ai thì cũng chẳng phải với nàng. Lời hứa sẽ thành thân với nàng vẫn còn đó, xem chừng là do thương hại mà nên. Người đời vẫn nói, cái gì không thuận với tự nhiên thường mang đến những sự chẳng lành, tình duyên giữa một phàm nhân và đấng Thiên Quân tương lai liệu được mấy phần suôn sẻ, huống chi dường như tim người ta vốn chẳng có nàng. Sinh con trong âm thầm tủi nhục, không dám gần gũi, không dám yêu thương con bởi đã định trước trong đầu một sự chia lìa. Trái tim tôi buông rơi từng nhịp theo những bước chân dò dẫm của người con gái đó bước lên Tru Tiên Đài với dải lụa trắng ngang mắt và chiếc gương đồng trên tay, thứ duy nhất mà người ta đã tặng cho nàng. Có phải là duy nhất không, không hẳn. Người ta đã cho nàng bao ân tình tốt đẹp nơi Tuấn Tật Sơn, cho nàng bao hy vọng về một gia đình hạnh phúc, rồi cũng cho nàng bao đau khổ oan khiên, và còn nhiều điều khác nữa mà bản thân nàng đã không thể nhận ra được trong những ngày tháng ấy, không phải chỉ vì dải lụa che đi đôi mắt đã bị lấy đi tròng khiến nàng đến những giọt nước mắt cũng chẳng còn.

Khoảnh khắc người con gái ấy xoay người nhảy xuống Tru Tiên Đài, tôi những tưởng, bản thân mình cũng sẽ chấm dứt việc theo dõi truyện này.

Tôi dễ đọc, nhưng lại rất khó để yêu thích một tác phẩm nào đó. Có thể nói là khá kén cá chọn canh. Vậy nên, cái ấn tượng mà đoạn tiền truyện để lại quá lớn, tôi sợ đọc tiếp, hoặc là sẽ thất vọng nếu nội dung không gây được nhiều cảm xúc như tiền truyện, hoặc là sẽ “chết chìm” trong cái bể cảm xúc càng lúc càng sâu.

Vậy mà, chỉ một câu tiếp theo, về thân phận thực sự của người con gái ấy, lại níu tôi lại, buộc tôi phải theo dõi câu chuyện đến tận cùng. Bởi tôi không tin, những yêu thương khổ hận đã qua chỉ có thể xem là một giấc mộng hay một hồi thiên kiếp, những đau đớn tổn thương có thể dần tan thành mây khói trong sắc hoa đào, những yêu hận đã khắc sâu vào tim lại có thể dễ dàng xóa sạch chỉ bằng một chén thuốc nghi ngút khói.

Tôi đã đọc tiếp câu chuyện ấy, chỉ một lần duy nhất. Đến nỗi đừng nói là bây giờ, ngay cả ngày ấy khi đang đọc, tôi vẫn không nhớ nổi những tình tiết truyện, và tên của những nhân vật phụ, nhất là khi nó lại thường đi kèm với những chức danh kiểu như Bạch Chỉ Đế Quân, Đông Hải Thủy Quân… Tôi chỉ quan tâm đến người con gái ấy, dù nàng mang thân phận phàm nhân hay một bậc thượng thần, dù tuổi tác của nàng đủ để người khác gọi là “Lão bà ở Thanh Khâu”, dù biết rằng nàng đã có một mặt con … ba trăm tuổi. Người con gái đã làm trái tim tôi đau thắt bởi những oan tình không chỉ trong một hồi thiên kiếp, tôi chỉ muốn như người ta kia, gọi nàng bằng cái tên Tố Tố hoặc Thiển Nhi.

Người con gái đó, có cách kể chuyện thật lạ kỳ, khi thì nhẹ nhàng lãng đãng tựa khói sương, thường dẫn dắt người đọc đến những chuyện đã qua với các mốc thời gian hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn năm về trước, hoặc những giấc mộng  vướng vít chút ký ức mơ hồ; khi lại mang nét hài hước, thậm chí có phần… tưng tửng. Như chính tính cách của nàng, vừa dịu dàng, vừa quyết đoán, có lúc vô cùng chín chắn, có khi hết sức ngây thơ. Mạnh mẽ đó, khoáng đạt đó, ân oán phân minh, mà cũng rất yếu mềm.

Người con gái đó, bảy vạn năm ròng rã dùng máu huyết của chính mình để duy trì sự sống cho sư phụ, dù sức khỏe của mình khi đó chẳng tốt đẹp gì.

Người con gái đó, có thể không màng chuyện sống chết của bản thân, để bảo vệ người thân của mình.

Người con gái đó, sững sờ đến ngây ngốc khi nghe câu nói “Ta yêu nàng” từ vị hôn phu Dạ Hoa kém mình mấy vạn tuổi.

Người con gái đó, làm tôi bao lần phải buồn cười và …cười buồn với cách nghĩ hoặc những lời nói, hành động của nàng. Cười đó, rồi lại buồn ngay đó. Ấn tượng từ tiền truyện quá sâu, cái án treo oan nghiệt lơ lửng đó, khiến tôi không thể vui lâu. Hoặc như câu nói của Dạ Hoa, tôi nửa muốn nàng nhớ lại, nửa lại muốn nàng vĩnh viễn đừng nhớ lại. Càng vui vẻ bao nhiêu, càng ấm áp ân tình bao nhiêu, nỗi đau khi nhớ ra tất cả sẽ lại càng sâu sắc bấy nhiêu.

Nhưng mà, thực chất, ai đau nhiều hơn ai? Rốt cuộc là, giữa nàng và vị hôn phu “phi công siêu cấp” đó, ai thiếu nợ ai?

Cũng như lời của Dạ Hoa, tất cả, đã chẳng thể nào tính đủ. Hoặc như lời của Thiển Nhi, vợ chồng ân ân ái ái, ai vay ai trả, không cần phân định rõ ràng.

Từ đầu đến cuối truyện, không thiếu những câu nói đáng nhớ như thế. Là suy nghĩ của thần tiên, nhưng chẳng khác gì chuyện nhân tình của thế gian. Có lẽ vì thế, mà dù với bối cảnh tam giới với những thần tiên phép thuật hay nạn kiếp, người đọc vẫn có cảm giác gần gũi, chân thật.

Có kẻ vì người mình yêu mà sẵn sàng từ bỏ hết ngôi vị đến cả sinh mạng, trước lúc chết đi chỉ mong đối phương quên mình mà sống tốt, trong khi chính đối phương lại không muốn như thế, thà cùng nhau tan thành tro bụi mới cam lòng. Có sự ích kỷ, cố chấp, dùng thủ đoạn hại người để mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình, thì cũng có thứ tình cảm quan tâm bảo bọc chu đáo nhưng thầm lặng, chỉ đôi lần bộc lộ bởi một chén trà sóng sánh, một câu hỏi “Ngươi đối với hắn, có thật tâm hay không?”.

Điểm duy nhất tôi không thích ở truyện, có lẽ là cái kết có phần vội vã. Ba năm, quãng thời gian không dài với một đời người, nhưng đặt trong bối cảnh của truyện, mang so với những bảy vạn năm say ngủ của Mặc Uyên, với những mốc thời gian quá dài từng được nêu ra trước đó trong những sự kiện khác, lại quá ngắn ngủi và dễ dàng. Chí ít là trong cảm nhận của một đứa “kén cá chọn canh” như tôi từng tự nhận xét về chính mình ở bên trên. Bù lại, phần ngoại truyện viết ở góc nhìn của Dạ Hoa, lại một lần nữa lấy đi của tôi nhiều nước mắt không kém gì phần tiền truyện.

Những ngày gần đây, đọc những thông tin về dự án làm phim dựa trên tiểu thuyết này, bỗng nghe lòng có chút gì sợ hãi. Sợ sẽ thất vọng khi những hình ảnh được tái hiện trên phim không như những gì trong mộng tưởng của mình. Sợ chẳng ai thể hiện được thần thái của những nhân vật mình yêu quý. Sợ những triết lý nhân sinh ẩn trong từng suy nghĩ của Thiển Nhi sẽ bị bỏ qua, hoặc khi được diễn đạt lại dưới dạng lời thoại sẽ mất đi phần nào ý nghĩa.

Thế nên, tôi không trông đợi lắm vào bộ phim ấy.

Chỉ mong một ngày, được cầm sách trên tay.

Đến lúc đó, có thể tôi sẽ cố gắng vượt qua nỗi sợ của chính mình, để đọc lại tác phẩm này thêm lần nữa.

Tiểu Châu.