Tags

, , ,


Được sự đồng ý của bạn Phoebe Bí (Bí Ngô/ Bí Bứt Bông), Hội đăng lại bài viết cảm nhận của bạn ấy về tác phẩm   “Hoa Tư dẫn” – Đường Thất Công Tử Nguyễn Thành Phước dịch,  Quảng Văn  phát hành.

Lời người viết: Khi viết bài Review này, tôi chỉ mới đọc tác phẩm một lần, trí nhớ cũng không tốt lắm, nên có thể có một vài chi tiết không chính xác.

Bài viết có một số đoạn spoiler. Bạn nên cân nhắc kỹ trước khi đọc, tránh giảm hứng thú khi đọc truyện.

Review Hoa Tư dẫn

 

Nàng là công chúa nước Vệ, vì một lời tiên đoán mà mười sáu năm đầu đời lớn lên nơi thôn dã.

Năm mười bốn tuổi, duyên phận đưa nàng đến với Mộ Ngôn, một chàng trai bí ẩn chỉ trong vòng bảy ngày đã cứu nàng đến hai lần, khiến nàng nghĩ đến chuyện ‘lấy thân báo đáp’. Sau lần gặp ấy, suốt ba năm ròng không lúc nào là nàng không thôi kiếm tìm kiếm tung tích của chàng. Tình yêu đầu đời, thanh khiết như mai, theo những ngày tháng bôn ba cũng đâm chồi nảy rễ.

Năm nàng mười bảy tuổi, thái tử Trần quốc Tô Dự dẫn quân chinh phạt, phụ vương nàng nhu nhược đầu hàng. Nàng đứng trên thành cao, trên chỉ trích quốc chủ, dưới chỉ trích ba quân, rồi từ trên thành nhảy xuống tuẫn tiết cùng Vệ quốc.

Nàng đã ra đi vào lúc tuổi xuân đang tươi đẹp nhất, trong một cơn mưa tầm tã. Trước lúc nhắm mắt, vẫn còn mơ hồ cảm nhận được có một bàn tay thoang thoảng hương mai đang run run vuốt má mình. Hồi ức chập chờn, theo sinh mệnh nàng tàn lụi.

Công chúa Diệp Trăn đã chết.

Từ nay, thế gian này chỉ còn Quân Phất.

Hoa Tư dẫn là câu chuyện về điệu nhạc Hoa Tư, một bí thuật có thể giúp người ta dệt một giấc mộng như mình ao ước và mãi mãi sống trong giấc mộng ấy, đổi lại là cái chết ngoài đời thực. Cùng với người bạn thanh mai trúc mã là Quân Vỹ và con hổ mê gà rán- Tiểu Hoàng, Quân Phất đã lên đường tìm những khách hàng cần dệt mộng khắp Cửu Châu, dùng sinh mạng của họ để kéo dài thời gian sống cho mình. Trong chuyến đi ấy, nàng tình cờ gặp lại Mộ Ngôn. Có vẻ như, dù nàng đã chết, ông trời vẫn không muốn để trái tim nàng chết.

Mối tình giữa Quân Phất và Mộ Ngôn là mối tình chủ đạo của Hoa Tư dẫn, trải dài từ đầu đến cuối truyện. Có hài hước, có ngọt ngào, có ghen tuông, và có cả đau thương. Hoa Tư dẫn được viết theo lối truyện trong truyện, vì bản thân mỗi một giấc mộng mà Quân Phất dệt đều là một câu chuyện tình đầy cay đắng và tiếc nuối. Đó là tình yêu oan ức và vô vọng của Tống Ngưng; là nhân duyên ngắn ngủi nhưng khắc cốt ghi tâm của Oanh Ca; là mối tình dằn vặt và oan trái của Khanh Tửu Tửu; là câu hỏi giang sơn và mỹ nhân muôn thuở của thế gian- cuộc tình đã rút cạn sinh lực của Mộ Dung An. Trong những kẻ đau khổ vì tình đã nhờ Quân Phất dệt mộng ấy, có những người chọn sống trong hạnh phúc của ảo mộng, cũng có những người quyết định bước ra khỏi giấc mộng, chết cùng người mình yêu trong đời thực. Dù là lựa chọn nào, kết cục cuối cùng của họ vẫn là cái chết.

Đa số những người đọc Hoa Tư dẫn đều cảm thấy đau khổ vật vã nhất ở thiên truyện của Tống Ngưng. Yêu một người, dường như đã dốc cả sinh mạng để cứu người ấy, nhưng rốt cuộc lại bị hiểu lầm. Chẳng những không được người ấy yêu thương trân trọng, mà còn phải nếm trải hết nỗi đau này đến nỗi đau kia, mãi đến khi xương cốt đã hoá thành tro bụi mới nhận được thứ tình yêu hối hận muộn màng. Người thì đã chết. Thứ tình yêu ấy, cần sao?

So với Tống Ngưng, có thể nói Oanh Ca may mắn hơn một chút. Nàng hy sinh nhiều, chịu đựng nhiều, đau khổ cũng nhiều, nhưng ông trời lại ban cho nàng một người đàn ông khác- một người đàn ông thật sự xứng đáng với tình cảm của nàng. “Thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Tình yêu của Oanh Ca và Dung Viên chính là như vậy. Và Dung Viên, chứ không phải nam chính Mộ Ngôn, mới là nhân vật nam khiến tôi ‘đau tim một cách cam tâm tình nguyện’ nhất Hoa Tư dẫn. Câu chuyện giữa họ khép lại bằng cái chết, nhưng tôi cảm thấy phía sau cái chết ấy là hạnh phúc, một hạnh phúc thật sự viên mãn. Đó là một trong những cái chết vì tình hiếm hoi trong mà tôi ủng hộ trong suốt sự nghiệp đọc truyện của mình từ trước đến giờ.

Có lẽ tôi thuộc về thiểu số. Tôi không có ấn tượng gì đặc biệt với tình yêu của Tống Ngưng, dù rất nhiều người đã rơi nước mắt vì thiên truyện này. Cốt truyện của phần này không có gì bứt phá lắm so với những truyện ngược khác tôi từng đọc, có chăng là tài kể chuyện và bút pháp điêu luyện của Đường Thất Công Tử đã khiến câu chuyện trở nên sâu sắc hơn, ám ảnh hơn. Có điều, cái sâu sắc và ám ảnh đó lại không đủ để đọng lại trong tôi, nhất là khi tôi đọc đến thiên truyện về chuyện tình của Công Nghi Phỉ và Khanh Tửu Tửu, một chuyện tình quá nhiều đau đớn và day dứt.

Nữ chính của thiên truyện này, Khanh Tửu Tửu, rất khác với nữ chính của các thiên truyện khác trong Hoa Tư dẫn. Nàng không đứng ở vai trò người bị phụ bạc, mà, có thể nói, nàng là người phụ bạc. Nàng sắp đặt một cái bẫy hoàn mỹ, nhưng cuối cùng chính mình lại không thể thoát ra. Nàng khiến người em trai song sinh của mình quằn quại trong thứ tình yêu đan xen thù hận, nhưng chính mình cũng bị thứ tình yêu ấy bào mòn con tim từ ngày này qua tháng nọ. Dày vò nhau, hình như cũng là một loại yêu.

Càng yêu càng hận, càng hận càng yêu. Tình yêu ấy dai dẳng đến độ một người thì đã chết, không còn ký ức; một người thì đã uống thiên nhật vong để quên đi nỗi đau tê tâm phế liệt về tình yêu ấy, rốt cuộc, vẫn một lần nữa yêu nhau.

Khi Khanh Tửu Tửu trở lại Công Nghi gia với thân phận Công Nghi Huân, Công Nghi Phỉ- một người đã không còn ký ức về Khanh Tửu Tửu, đã nảy sinh tình cảm với cô, dù trên danh nghĩa cô là chị của chàng. Chàng yêu cô, nhưng lại sợ hãi thứ tình yêu trái với luân thường ấy. Và khi biết cô cũng có thứ tình cảm như thế đối với mình, chàng lại càng tỏ ra khó chịu, hành xử gay gắt với cô. Dường như chàng sợ rằng nếu cô không rút ra được, mình cũng sẽ không kìm nén nổi. Cứ một vòng lẩn quẩn như thế, cuối cùng, cô lại một lần nữa chết vì chàng.

Đoạn cuối của thiên truyện này, khi Công Nghi Phỉ đứng trước bức tượng của Khanh Tửu Tửu trong căn phòng tối, diễn lại cảnh lần đầu hai người gặp mặt, đối với tôi là chi tiết bi thương nhất truyện.

Công Nghi Phỉ thất thần đứng mãi, như sực nhớ ra, rút trong ống tay áo chiếc vòng ngọc màu đen, chìa ra trước bức tượng gỗ, nhẹ nhàng:“Chiếc vòng này có phải của cô nương?”

Âm thanh trống rỗng vang lên trong căn phòng mờ mờ ánh đèn, nhưng không thấy tiếng trả lời. Chàng ta lại không bận tâm, ánh mắt tươi cười, giọng vẫn nhẹ: “Hình như tại hạ đã gặp cô nương ở đâu?”.   

Nghe đến đây tôi đã biết câu sau chàng ta sẽ nói gì.   

Đó là cảnh tượng lần đầu họ gặp nhau, cuối cùng chàng ta vẫn uống thuốc giải Thiên Nhật Vong. Quả nhiên, chàng ta nắm tay cô, nói khẽ: “Tại hạ là Công Nghi Phỉ ở Bối Trung, dám hỏi quý danh cô nương”.   

Như có tiếng thanh thanh vẳng lại: “Vĩnh An, Khanh Tửu Tửu”. Nhưng tất cả đã không thể quay trở lại.

[Trích “Hoa Tư dẫn”- Đường Thất Công Tử]

Đó là lần duy nhất Quân Phất khóc vì chuyện tình mà mình dệt mộng, và cũng là một trong số những mối tình đếm trên đầu ngón tay mà tôi từng rơi nước mắt vì xúc động. Tôi đã đọc nhiều truyện ngôn tình được xem là ‘lấy nước mắt độc giả’, ví dụ như Bộ bộ kinh tâm, Thất tịch không mưa, nhưng những truyện ấy vẫn chưa lấy được của tôi giọt nước mắt nào. Có một thời tôi còn tự ti chắc mình máu lạnh. Giờ mới biết là không phải, tôi vẫn còn thuốc chữa.

Câu chuyện của Mộ Dung An và Trần vương Tô Hoành khá ngắn so với những thiên truyện trước, nên không đủ để lại cho tôi cảm xúc gì đặc biệt. Không có cảm xúc đặc biệt cũng không có nghĩa là câu chuyện không hay, chẳng qua là tôi bị cái bóng quá lớn của chuyện tình Công Nghi Phỉ- Khanh Tửu Tửu ám ảnh mà thôi.

Những ai mau nước mắt, tốt nhất không nên đọc Hoa Tư dẫn ở chỗ đông người. Khóc vì truyện là chuyện bình thường đối với giới nữ; nhưng vừa khóc xong trước đó mấy phút lại cười khúc khích, rồi lại khóc, thì đó là chuyện bất bình thường, rất dễ bị người khác hiểu lầm thần kinh của mình có vấn đề. Hoa Tư dẫn là một câu chuyện khiến người ta trở nên như thế.

Những thiên truyện trong Hoa Tư dẫn đều buồn. Kể cả câu chuyện của nữ chính Quân Phất, vốn tưởng như là ánh mặt trời sau mỗi trận mưa, cũng có lúc gặp phải hiện tượng nhật thực, khiến độc giả thầm oán tác giả sau mà tàn nhẫn thế. Cũng may, Đường Thất Công Tử ngoài khả năng sáng tác những câu chuyện khiến độc giả đau tim, vẫn còn có một khả năng đầy nhân đạo khác là viết những câu chuyện đau tim ấy bằng một ngòi bút hài hài, tưng tửng. Những tư duy rất logic mà quái đản của Quân Phất, những hành động thoạt nhìn lạnh lùng mà ấm áp của Mộ Ngôn, cũng như những chi tiết về mối tình ‘đoạn tụ’ của Quân Vỹ, về sự linh tính đến đáng ngờ của con hổ Tiểu Hoàng, tất cả đều khiến Hoa Tư dẫn bớt đi phần u ám, như một liều thuốc trợ tim cho độc giả.

Chuyện tình của những nhân vật phụ là như thế. Còn cặp đôi chính Quân Phất- Mộ Ngôn của chúng ta, họ trải qua những gì, kết thúc ra sao?

Hãy đọc Hoa Tư dẫn để có lời giải đáp.

 Bí Ngô