Tags

, , , ,


Được sự đồng ý của bạn Jade, Hội đăng lại bài viết cảm nhận của bạn ấy về tác phẩm “Đông Cung” – Phỉ Ngã Tư Tồn,   Schan dịch

 

Đến bao giờ… Tiểu Phong lại được bắt cho 100 con đom đóm?

 

Nếu chỉ xét riêng trong những tác giả và những văn phong mà tôi đánh giá cao, cá nhân tôi không thích giọng văn của Phỉ Ngã Tư Tồn cho lắm. Chị là một trong Tứ tiểu thiên hậu ngôn tình, nổi tiếng là một Bi tình thiên hậu; nhưng kỳ thực ban đầu tôi không để ý nhiều đến chị. Bởi tôi dù chỉ từng đọc một tác phẩm duy nhất, có lẽ cũng là tác phẩm nổi tiếng nhất – Hẹn đẹp như mơ – Giai kỳ như mộng, nhưng lại cảm thấy lối hành văn của chị không được cứng, câu cú khá lủng củng, nhiều chi tiết miêu tả lãng đãng mà lại có vẻ không khớp với nhau. Giai kỳ như mộng không để lại trong tôi nhiều cảm xúc, có chăng chỉ là chút tiếc nuối thoáng qua lúc cuối cùng khi Chính Đông ra đi. Thế mà tác phẩm thứ hai của Phỉ Ngã Tư Tồn mà tôi đọc này lại làm dấy lên trong tôi cảm giác muốn được viết như thế, viết, dù chỉ là để được giải tỏa. Lần đầu tiên, tôi đã nhỏ hai giọt nước mắt cho một tác phẩm ngôn tình; không phải bởi tôi nhìn thấy bóng dáng mình trong câu chuyện đó như lần khóc đầu tiên vì tiểu thuyết, đó là những xúc động thật sự cho một kết cuộc mà ngay từ đầu đã biết là buồn.

Tôi luôn nghĩ mình đã chuẩn bị đủ tâm lí, hay ít nhất dù truyện SE thì cũng không thể làm tôi thấy bi lụy, giống như những lần đọc truyện SE khác. Thế mà cuối cùng vẫn phải sững sờ. Để rồi nhận thấy hóa ra Đông cung chính là như vậy, để rồi lạnh người kinh khiếp trước một Lý Thừa Ngân – một Thái tử điện hạ – tưởng chừng giản đơn mà hóa ra tàn độc, lạnh lùng. Sự thật thì bao giờ cũng khắc nghiệt, vậy mà tại sao tôi trước giờ luôn thản nhiên với những cái kết SE tuân thủ theo cái gọi là “thực tế” đó, lại thấy đau lòng như vậy cho một đoạn tình thù nơi cung cấm Trung Nguyên?

Nhiều người căm ghét Lý Thừa Ngân, nhưng cảm xúc cuối cùng đọng lại trong tôi có lẽ là một nỗi xót xa khó nói thành lời. Tôi thương cuộc đời ngắn ngủi của Tiểu Phong đã phải kết thúc khi chỉ mới mười tám tuổi, tôi căm giận trái tim máu lạnh độc ác của Lý Thừa Ngân, vậy mà dường như tôi không ghét con người đó. Giống như Tiểu Phong trong giây phút cuối cùng vẫn mãi tin tưởng rằng bóng hình người nàng yêu luôn đẹp đẽ như vậy, tin rằng Cố Tiểu Ngũ của nàng đã chết, chứ không phải là kẻ đã rước bốn mươi vạn quân địch dày xéo lên đất nước hùng mạnh của ông ngoại nàng ngay trong lễ cưới của hai người, không phải là kẻ đã biến nàng thành một quân cờ không hơn trên bàn cờ chính trị từ đầu tới cuối, và rồi lại lần thứ hai quyết liệt muốn nhảy theo nàng, khỏi tường thành.

Ngày trước khi đọc Bộ bộ kinh tâm, tôi đã từng rùng mình trước một Tứ a ca đầy bao dung, đầy thẳng thắn lại trở nên tàn nhẫn lạnh lùng khi đã trở thành Ung Chính. Tôi đồng cảm cho nỗi sợ hãi bí bách của Nhược Hy, nhưng lại không thông cảm cho nàng. Tôi luôn nghĩ đau khổ là do Nhược Hy luôn quẩn quanh trong cái vòng nàng tự gây ra. Đến bây giờ tôi lại càng thấm thía hơn cảm xúc đó. Nhược Hy bất hạnh, nhưng ít ra nàng còn có một chút may mắn, bởi nàng yêu và cũng đã từng hạnh phúc khi có được tình yêu, bởi vì khi ra đi nàng không được gặp lại Dận Chân của lòng mình, nhưng không phải do Dận Chân cạn tình, mà có lẽ chẳng qua mối duyên giữa họ thực sự đã đứt đoạn, nên chàng ta chẳng thể nhận được bức thư từ biệt.

Còn Tiểu Phong thì sao? Cái gọi là yêu chưa một lần cho nàng hạnh phúc thật sự. Cái gọi là yêu, đẩy nàng vào thế “cõng rắn cắn gà nhà”. Cái gọi là yêu, làm cho nàng lại một lần nữa bị lợi dụng, đến nỗi dù đã uống nước sông Quên, dù đã sống một cuộc đời mới suốt 3 năm mà cuối cùng vẫn phải nhớ lại. Hay như chính nàng đã nói, đó là sự trừng phạt với nàng vì đã không dứt bỏ mối nghiệt duyên ấy.

Người ta cứ luôn tranh luận về việc rốt cuộc thì Lý Thừa Ngân đã quên hay là vẫn còn nhớ? Quả thực tôi cũng không biết, bởi đáp án rất mập mờ và câu chuyện này hoàn toàn được kể dưới góc nhìn của Tiểu Phong. Dưới mắt Tiểu Phong, Lý Thừa Ngân đã quên, để rồi dường như tới phút cuối cùng, khi bóng áo nàng đã bay khỏi tường thành lộng gió, anh ta mới giật mình nhớ lại. Tôi không biết ý định thực sự của Phỉ Ngã Tư Tồn khi xây dựng chi tiết này là gì. Có lẽ chị chỉ muốn để lại một câu hỏi lớn trong lòng độc giả. Một câu chuyện khiến người ta phải suy nghĩ thì bao giờ cũng ghi lại ấn tượng sâu sắc hơn tất thảy. Nhưng nếu như chị không muốn phơi bày sự thực đó, nếu như chị không làm, vậy thì tại sao chúng ta cứ quay quắt đi tìm câu trả lời cho cái gọi là “đã quên” hay “còn nhớ”? Trong mắt Tiểu Phong, Thừa Ngân đã quên. Vì thế nên nàng một mình ôm trong lòng những đau khổ day dứt về quá khứ cho tới tận lúc sắp ra đi. Tôi đứng về phía Tiểu Phong, vì vậy mà tôi đồng ý rằng Lý Thừa Ngân có quên, chỉ là không biết anh ta đã đột nhiên nhớ lại vào giờ phút nào mà thôi. Và một phần cũng bởi vì tôi không nỡ nghĩ rằng anh ta vẫn còn nhớ. Bởi xét cho cùng, Lý Thừa Ngân cũng chỉ là một con người. Anh ta tàn nhẫn lạnh lùng trên con đường đến với ngai vị đế vương, nhưng anh ta không phải không có trái tim. Hay nói một cách khác, cái gọi là “cảnh giới không tim” đó vốn bị phá bỏ khi cuộc đời anh ta xuất hiện một người con gái để yêu thương. Nếu không, anh ta đã chẳng vì phút đau lòng mà lao theo nàng khỏi vực sâu xuống dòng sông Quên bên dưới. Nếu không, một loạt những chi tiết khác vô tình hay hữu ý được khai thác trong truyện bỗng nhiên trở thành thừa thãi hay sao? Hay suy nghĩ theo một lối khác thì tất cả chỉ là diễn kịch? Bản chất con người có lẽ sẽ không thể thay đổi, bởi vậy Lý Thừa Ngân – ngay cả ở quá khứ lẫn hiện tại 3 năm sau – trong lòng vẫn luôn đầy những toan tính, những toan tính đó trước sau dù sai hay đúng cũng đều hại chết Tiểu Phong. Nhưng khoan hãy xét rằng toan tính chính trị là sai hay đúng, bởi đã là quân vương, hay muốn làm quân vương, kẻ dấn bước chẳng có con đường nào khác. Thế nhưng khi anh ta hai lần muốn lao theo nàng, khi anh ta nói “Ta và nàng cùng quên”, cá nhân tôi vẫn cho rằng đó là chút tình cảm thực lòng. Đây cũng có thể xem như chút hy vọng của tôi, rằng tính mệnh của Tiểu Phong hai lần mất đi chỉ vì một con người sẽ không vô nghĩa. Cho dù tôi biết nếu ngày ấy nàng không dùng trường đao tự vẫn, rồi thì nàng cũng sẽ phải sống những tháng ngày như Triệu Lương đệ kia, và rồi thì Tây Lương nhất định chẳng thể an bình như ba mươi năm sau này đâu mà cũng mất vào tay Trung Nguyên thôi. Giá trị hiện hữu nhất của công chúa, hoàng tử trong những mối liên hôn chính là đất đai. Đâu phải ai cũng có được suy nghĩ tiến bộ như Quân Phất(*), rằng mọi vương tộc đều có thể nỗ lực theo hướng khác?

Chỉ là tôi vẫn luôn thấy day dứt, tại sao ba mươi năm qua đi mà Lý Thừa Ngân vẫn không để cho nàng – và thậm chí là cho mình – một lối thoát? Tại sao cứ nhất định không tin rằng nàng đã chết? Tại sao miễn cưỡng suốt gần chục năm trời mới truy phong cho nàng một cái thụy hiệu? Tại sao không cho nàng một lăng tẩm đàng hoàng mà yên nghỉ? Tại sao lại cứ cố tin rằng đứa con gái duy nhất không có một nét nào giống nàng kia là do chính nàng sinh ra? Khi ra đi, nàng đã từng mong muốn mình sẽ cùng A Độ sải cánh rời khỏi nơi nhân sinh phù hoa mà cũng đầy máu và nước mắt đó, được “trở về nhà”. Ấy thế mà cuối cùng hắn vẫn nhất quyết nhốt nàng lại trong lăng tẩm lạnh lẽo, thậm chí còn chẳng cho nàng được một nơi dừng chân thanh thản. Dẫu rằng tôi biết những thứ ấy mới phù phiếm làm sao. Người thì đã chẳng còn, vậy danh hiệu truy phong có ý nghĩa gì? Lăng tẩm có ý nghĩa gì? Nhưng vẫn không tránh khỏi xót xa khi người đời cho rằng hắn vì ghét nàng nên mới cư xử lạnh lùng như vậy, đến nỗi không một ai sau này còn dám nhắc đến nàng. Hóa ra cái chết cũng chỉ có thể đổi lại cho Tiểu Phong hơn một dòng mười chữ trong sử sách, hóa ra nàng cuối cùng lại chỉ đơn thuần bị lãng quên như thế. Ngày sau, đâu có còn ai nhớ đến nàng Cửu công chúa Tây Lương đó nữa?… Hai giọt nước đã trượt khỏi khóe mắt khi Bùi Chiếu thức tỉnh Lý Thừa Ngân sau cái chết của tiểu công chúa Triêu Dương, rằng nàng đã ra đi thật rồi, cỏ đã phủ xanh rì cả mộ… Ba mươi năm đã qua, cuối cùng có lẽ người ra đi mới là thanh thản nhất, còn người ở lại phải đau khổ day dứt để đền tội. Ba mươi năm trôi đi, tôi cũng không biết được, Lý Thừa Ngân liệu rồi sẽ làm gì sau những giọt nước mắt muộn màng?

“Có con cáo nhỏ ngồi trên cồn cát, ngồi trên cồn cát, ngắm nhìn ánh trăng.

Ô thì ra không phải nó đang ngắm trăng, mà đang đợi cô nương chăn cừu trở về…

Có con cáo nhỏ ngồi trên cồn cát, ngồi trên cồn cát, sưởi nắng.

Ô thì ra không phải nó đang sưởi nắng, mà đang đợi cô nương cưỡi ngựa đi qua……”

Jade

(*): Nữ chính Diệp Trăn – Quân Phất trong tác phẩm Hoa Tư dẫn của Đường Thất Công Tử.