Cảm nhận từ phía độc giả khi đọc truyện online, cũng như một số điểm mình nghĩ các dịch giả/ tác giả/ độc giả khác nên lưu ý.

Vì là cảm nhận cá nhân, nên có thể sẽ không tránh khỏi việc bất đồng ý kiến cùng bạn khác. Thảo luận để có dịp nói lên suy nghĩ của mình, lắng nghe ý kiến của người khác, biết thêm những góc nhìn khác về vấn đề nào đó, nếu có tranh luận, xin hãy hòa nhã, không làm tổn thương đối phương cũng như đối tượng được nhắc đến, nhé ^^.

Ý kiến của Tiểu Châu :

Có lẽ, TC không cần nói nhiều về những cung bậc cảm xúc khi đọc truyện online, bởi đã “kêu gào” quá nhiều trên facebook của Hội rồi. Đó là niềm vui khi có điều kiện tiếp cận nhiều tác phẩm đến thế, trong đó có nhiều truyện chất lượng, chỉn chu, khi mình không thể mua sách, hoặc sách vẫn chưa được dịch và xuất bản chính thức tại Việt Nam. Đó là những trạng thái vui buồn thậm chí có khi “điên lên” theo từng tình tiết truyện, cảm xúc của nhân vật. Là niềm háo hức, ngóng đợi từng phần truyện mới nhất được đăng tải. Là nỗi thất vọng khi F5 hoài mà chẳng thấy chương mới, thậm chí hay tin một truyện nào đó mình đang theo dõi bị ngưng vô thời hạn. Là niềm yêu mến, nể phục, hoặc sự đồng cảm dành cho các dịch giả/ tác giả/ người type truyện, và những bạn đọc có cùng sở thích như mình.

Là nỗi buồn giận tổn thương khi nơi thế giới mạng diễn ra những “trận chiến”, do người trong cuộc cãi nhau với người ngoài để biện minh cho sở thích của mình, hoặc có khi giữa chính những người trong cuộc như độc giả với độc giả, độc giả với dịch giả hoặc các dịch giả với nhau…

 

Đứng ở góc độ một độc giả, TC nghĩ, các dịch giả/ tác giả/ người type truyện… nên lưu ý một số vấn đề sau :

– Kế hoạch dịch truyện:

Nhiều người thường ví von rằng, mỗi truyện online như một cái hố được tác giả/ dịch giả đào, người đọc biết đó là hố nhưng vẫn tự nguyện sà xuống. Vẫn biết, các dịch giả không chuyên có cuộc sống riêng, với việc học tập, đi làm, giải trí, các mối quan hệ…; chỉ dịch truyện trong thời gian rảnh rỗi chứ không phải là nghề chính; việc viết lách cũng như dịch thuật lại cần có cảm hứng và tâm lý thoải mái. Thế nhưng, TC nghĩ, trước khi bắt tay vào một dự án dịch nào đó, người dịch nên xem xét độ dài tác phẩm, dự đoán tiến độ dịch của mình, và báo trước cho độc giả biết nếu có thay đổi hoặc tạm dừng, thậm chí là dừng vĩnh viễn, kẻo nhiều độc giả đã trót nằm chèo queo dưới hố không dám trèo lên mà người đào “im thin thít và lặn mất tăm” thì tội lắm.

– Chăm chút về mặt hình thức :

Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, nhưng nếu gỗ tốt và nước sơn vừa tốt lại vừa đẹp, chẳng phải sẽ hơn sao. Hình thức đẹp là cách trình bày bài viết, có thể chú ý những điểm sau :

+ Nên thống nhất size và cỡ chữ phù hợp, thống nhất; cách dòng vừa phải;  màu chữ dễ đọc; hạn chế lỗi chính tả.

+ Tên chương, tên tác giả/ người dịch… thì nên tô đậm và to hơn, và tốt nhất là nên ghi đầy đủ ở từng chương, bởi hiện nay tình trạng copy truyện tràn lan rất nhiều, nếu ghi đầy đủ thì khả năng những người sao chép tiện tay mang luôn phần credit đó đi cũng sẽ cao hơn được một tí.

+ Tiêu đề từng bài viết trong blog không nên viết tắt tên truyện ( trừ khi quá dài). Một số bạn thường viết tắt tên truyện để chừa chỗ ghi tên chương, thực ra như thế vừa bất tiện cho người đọc tại blog đã đành, tìm kiếm trên google cũng sẽ khó hơn. Tiêu đề cứ ghi tên truyện kèm số chương, nếu đủ hãy ghi tên chương, không thì ghi tên chương ở đầu bài viết là đủ.

+ Nên chú trọng phần đánh tag, chia chuyên mục… trong blog wp. Nếu có thể, nên tạo mục lục rõ ràng cho truyện.

Những việc đấy không mấy quá nhiều thời gian nhưng tác dụng sẽ rất cao.

– Warning:

Nếu là truyện “nhạy cảm” như đam mỹ, hoặc có rating theo độ tuổi vì những yếu tố tình dục hoặc kinh dị, ma quái… thì nên có chú thích rõ ngay từ đầu truyện, không nên dịch được nửa đoạn đường rồi mới thông báo những chương sau có nhiều cảnh H, độc giả chưa đủ tuổi thì đi ra, bởi như thế sẽ càng phản tác dụng.

( Quay lại với cái gạch đầu dòng thứ 1 về kế hoạch dịch truyện, một số bạn “đọc đến đâu dịch đến đấy” để không làm giảm cảm xúc của mình, tuy nhiên, chí ít các bạn cũng nên đọc lướt qua, hoặc có tìm hiểu trước về tác phẩm, để biết nội dung truyện có những điểm nào cần lưu ý ngay từ đầu hay không)

– Vấn đề có nhiều bản dịch của cùng một truyện:

TC nghĩ, chuyện một tác phẩm có nhiều bản dịch cũng là điều bình thường, mỗi người có cách dịch, giọng văn riêng của mình. Tuy nhiên, giả sử bạn A đang dịch tác phẩm X đến chương 20 chẳng hạn, mà tuyên bố dừng hẳn, hoặc “mất tích quá lâu”, thì bạn B có dịch tiếp, có lẽ cũng không vấn đề gì. Nhưng nếu bạn A vẫn đang dịch, dù tốc độ có hơi chậm đi nữa, bạn B sốt ruột nên dịch, mà lại bắt đầu từ chương 21 về sau,với tốc độ nhanh hơn bạn A, mình không biết người khác nghĩ sao, cá nhân mình thì rất phản cảm với việc làm đó. Nếu có dịch xen ngang một bản dịch khác như thế, thì chỉ nên “lưu hành nội bộ”, hoặc là dịch hẳn lại từ đầu để có bản dịch hoàn chỉnh của riêng mình, để người đọc có thể theo dõi một tác phẩm trọn vẹn, không lắp ghép chắp vá hay thiếu hụt, đồng thời cũng là để tôn trọng công sức của bạn A.

– Một số “hạt sạn” thường gặp:

+ Với tiểu thuyết Trung Quốc, nhiều bạn dịch/ edit truyện đã lạm dụng từ ngữ Hán Việt, và một số cấu trúc câu mà tiếng Việt ít gặp. Thực ra, ranh giới của việc sử dụng và lạm dụng cũng khá mỏng manh, khi tiếng Việt vốn có rất nhiều từ Hán Việt, có nhiều hoàn cảnh không thể tìm được từ tương đương thay thế, hoặc nếu có cũng không phù hợp. Để sử dụng từ ngữ Hán Việt một cách phù hợp, hài hòa với chi tiết đó nói riêng và bối cảnh của truyện nói chung, cần sự tinh tế của người chuyển ngữ. (Thậm chí có nhiều bạn dịch truyện tỉ mỉ đến mức, một câu thành ngữ nào đó của Trung Quốc, nếu chuyển sang được câu nào có ý nghĩa tương tự thì sẽ chuyển, nếu giữ nguyên thì sẽ chú thích rõ nguồn gốc, xuất xứ của câu đó. Rất thích những bạn như thế :X).

Ví dụ như cách xưng hô “ta”-“ngươi”, rất nhiều bạn edit truyện hay dùng, với lý do như thế cho hợp với truyện Trung Quốc. Có lẽ, với các bạn ấy và không ít độc giả, đó là một cách xưng hô “an tòan”. Nhưng mình thì thích cách xưng hô đó được chuyển sang thành “chàng” – “thiếp”, ” anh” – “em”, ” tớ” – “cậu”, “tôi”-“bạn”, “mày”- “tao”… phù hợp với từng hoàn cảnh hơn. Dĩ nhiên, “ta”-“ngươi” cũng phù hợp với một số hoàn cảnh, nhưng chỉ là một số, chứ không phải toàn bộ.

Hoặc một số cụm từ, cấu trúc câu mà dù hiểu nghĩa của nó, mình vẫn ngẩn ngơ tự hỏi, sao không dùng từ khác ? Vẫn biết, người dịch/ edit có cái lý của họ khi dùng từ đó, nhưng lắm lúc vẫn thấy lấn cấn khi đọc những từ  như “Ân!”, “Ngô…”, “Nga…” được giữ nguyên. Càng khó chịu hơn khi vấp phải những cụm từ kiểu “vàng y nam tử”.

Truyện phương Tây thì ít gặp lỗi kiểu này hơn, có lẽ do chưa có ai edit truyện phương Tây từ google trans chăng?

– Về độc giả:

Bản thân mình không phải dịch giả hay tác giả, nhưng vẫn có cảm giác “sợ” mỗi lần đọc comment của những độc giả kiểu thế này :

+ Hỏi đi hỏi lại những điều đã được nói rõ , ví dụ như ở phần văn án đã có nêu đủ tên gốc, số chương… mà các bạn ấy không chịu đọc kỹ cứ com hỏi mãi.

+ Xin bản word hoặc convert, lại còn hối thúc dịch giả gửi vào mail cho mình.

+ Thúc giục đòi truyện với thái độ không nhã nhặn, ví dụ có lần sjs VV (Faithfair) thông báo ốm, không có chương mới của Phản diện như đã hứa, thế là có bạn comment bảo, trốn chap mới thì nói đại đi, ốm đau gì. Trong khi thực tế sjs ấy đang phải nằm viện cả tuần liền do sốt xuất huyết.

+ Ngoài ra, còn một vấn đề khá tế nhị là chuyện “giành tem giật ghế”, đa phần các blog đều khá thoải mái với chuyện này, không khí càng nhộn nhịp càng vui. Tuy nhiên, có một số dịch giả/ tác giả không thích những com ngắn gọn kiểu tem, vip rồi thôi, sau đó không hề bàn luận gì đến truyện. Nhập gia tùy tục, trước khi com ở một blog nào đó, độc giả nên nhìn trước ngó sau để hiểu tính ý chủ nhà.

– Vấn đề ăn cắp trắng trợn công sức của các dịch giả/ tác giả online:

+ Chuyện mang truyện đi mà không hỏi qua ý kiến dịch giả/ tác giả online, thậm chí chẳng ghi nguồn, có lẽ không còn xa lạ, mỗi lần có tranh cãi xảy ra, những người copy không ghi nguồn lại thường mang những chiêu bài quen thuộc ra mà cãi lại, như là “đã mang lên mạng thì phải chấp nhận sẻ chia”, nào là ” dịch có xin phép tác giả chưa mà đòi người ta phải xin phép khi lấy bản dịch của mình”, điển hình như những vụ lùm xùm với TSH, TCG, wattpad.

+ Kế đến, giờ lại rộ lên chuyện bản dịch hoặc những truyện sáng tác online bị mang ra in lậu, bày bán công khai hoặc cho thuê tại các hàng truyện. Những bản dịch online của Giai kỳ như mộng, Sam Sam, Đấu tranh đến cùng cho tình yêu, … đều đã bị in lậu, truyện sáng tác như “Sr, I love you” – Bé Bự “, ” Đi tìm phần thân đánh mất” – ruacondauto cũng chẳng được tha, và mới đây nhất, truyện đam mỹ như “Sửu hoàng” và “Nhược thụ” cũng “lên sàn”.  Tuy hiện nay truyện lậu chỉ được phát hiện tại Hải Phòng, nhưng ai mà biết được sau này có lan rộng ra không.

Thế nên, rất mong độc giả sẽ tỉnh táo, ủng hộ và tôn trọng cách dịch giả/ tác giả online bằng cách chỉ đọc truyện tại blog gốc của họ, hoặc tại những diễn đàn có nội quy nghiêm túc về mặt nguồn gốc bài viết.

Cũng xin mọi người tuyệt đối không mua/ thuê sách lậu, dù có thích bản dịch đó đến đâu. Hiện nay có không ít đơn vị xuất bản có uy tín đã nhắm đến các tác phẩm được dịch online, như Giai kỳ như mộng – Phỉ Ngã Tư Tồn đã được Quảng Văn mua bản quyền và hợp tác với bạn Keichan, người dịch online quyển này chẳng hạn. Cầm trên tay quyển sách có bản quyền, được in trên giấy tốt, đọc bản dịch onl mà mình từng yêu thích nhưng được biên tập kỹ lưỡng, gọt giũa cẩn thận, lại giúp dịch giả online có thu nhập, và quan trọng nhất là được đứng tên trên đứa con tinh thần của họ, không tốt hơn là cầm trên tay quyển sách in lậu cẩu thả nhập nhem sao?

***

TC vốn khắt khe, khó tính, hy vọng những nhận xét cá nhân này không làm phiền lòng các dịch giả/ tác giả/ độc giả khác.

***

Một số ý kiến khác của các bạn thành viên Hội đau tim :

Mình có ý kiến là dịch truyện dĩ nhiên nên tôn trọng tác giả, nhưng bản dịch tự thân nó cũng là một tác phẩm, nên viết lại câu cú sao cho nó dễ đọc một tí. nhiều lúc mình đọc 1 vài bạn edit mình tưởng đâu là của anh gúc viết ko ah @@.

Ngoài vấn đề dịch ra thì còn vấn đề phân đoạn nữa. Các bản dịch thường có phân đoạn bất thường, một đoạn chỉ có 1 hoặc 2 câu. Đây không phải lối phân đoạn văn chương Việt Nam (vốn ảnh hưởng phươg Tây) nên đôi lúc đọc cảm thấy hơi khó chịu. Nếu có thể thì các translator và editor có thể phân phối lại bố cục luôn được không?Chỉ là mong thế thôi cái ý này không quan trọng lắm :p

ShjntanyChan

( Thành viên nam hiếm hoi gắn bó lâu dài nhất với hội)

***

Haizz, cảm giác mong ngóng truyện online ( đặc biệt là mấy bộ mình thích như Sập bẫy rồi, Láng giềng hắc ám,  Con thỏ … ) cứ như mẹ mong con ấy, mặc dù đọc bản convert rồi nhưng vẫn thích đọc bản dịch hơn…

Hà Phương

( Tác giả bài viết “Một số mánh khóe  trong ngôn tình”)

***

Lúc đợi truyện mới dành tem em cứ hồi hộp hồi hộp y như lúc đợi kết quả thi đại học ý, có truyện mới em rất là vui :D.

Thực ra em không có tính kiên nhẫn nên thường ngâm đợi ra hết rồi mới đọc, và em thích cầm quyển sách đọc hơn, ngửi mùi giấy mới rất là thích, thỉng thoảng còn ôm truyện đi ngủ đc, chứ  không dám ôm lap đi ngủ;)) Cơ mà dạo này em lại yêu cái cảm giác hồi hộp chờ truyện mới, có thể bàn luận rôm rả với mọi người:D.

Em xa nhà, xa bạn bè, môi trường hoàn toàn mới, em cảm thấy thực sự rất khó khăn. Nhưng từ khi vào hội, đợi truyện hàng ngày, lần đầu tiên trong mấy tháng qua em không cảm thấy bị khó thở, có thể thấy cuộc sống dễ chịu hơn một chút:D.Em yêu mọi người lắm, đây như ngôi nhà thứ hai của em vậy a:D.

Các độc giả thì nên tôn trọng và thông cảm cho các ss, yêu các ss thật nhiều để giúp các ss có động lực dịch/edit truyện:D

Còn các dịch giả thì thương bọn em chút xíu, đừng nhá hàng rồi mang con bỏ chợ mà tội nghiệp độc giả lắm ạ.

Dương Nguyễn

( Độc giả, thành viên gắn bó của Hội đau tim)

***

Đọc truyện online với những cảm xúc vui buồn lẫn lộn, có lúc mình nhập tâm vào nhân vật, có khóc, có cười… và chỉ có đọc truyện online mới có cảm xúc đợi chờ ra chap mới, cùng nhau thảo luận, tán ngẫu về vấn đề, chi tiết hay ho trong truyện. ^^

Bích Xù

( Độc giả, thành viên gắn bó của Hội đau tim)

***

 

Em chỉ muốn nói :” đợi chờ là hạnh phúc” xD… (mặc dù đợi chờ làm cho bệnh tim càng ngày càng nặng *tự nhiên đau tim quá a*)

Iu các ss đã bỏ công sức, tg và tâm huyết để dịch/edit truyện cho cả nhà được đọc, được biết đến những soái ca đại BT … Iu cả những người bị bệnh tim giống mềnh nữa. Ôi e iu cả nhà nhiều lắm… nhiều lắm… lắm… lắm cơ *chụt chụt* :X:X:X:X:X

Đoàn Thu Linh

( Độc giả, thành viên gắn bó của Hội đau tim)

***

Thích đọc truyện onl, đơn giản chỉ vì thích cảm giác chờ đợi (nhưng đừng có lâu quá a ^^~) thích được đọc những comment mà mọi người bình luận về truyện đó, để vẫn biết rằng không chỉ có mình mình cảm nhận thấy thế (ví dụ: đọc truyện nào ngược còn có người bức xúc cùng a ~\(≧▽≦)/~….. ) Cực không thích một số nhà viết tắt tên truyện đến mức độ không hỏi người khác thì không biết được truyện đó là truyện gì ⊙o⊙ vấn đề này rất dễ gây đến việc mất hứng đọc truyện. o(╯□╰)o

Panamita Chan

( Nhà Kim Long Phi Các, edit các truyện như “Cô dâu thứ 10 của Quỷ Vương”,

” Bà xã, Anh yêu em”…)

Truyện phương Tây đều được dịch, chứ không phải edit như truyện TQ, nên không gặp tình trạng lạm dụng HV và cấu trúc câu tiếng Hán. Lúc đầu quả thật Den rất… khó chịu với tình trạng đó >_< [Xin lỗi, Den nói thật], cảm thấy rất bức xúc, nhưng sau đó thì cứ suy nghĩ là: Không thích thì không đọc! Cho nên có rất nhiều truyện hay, tóm tắt rất hay, tình huống truyện rất hay, nhân vật rất hay, nhưng khi Den đọc được chương đầu, ố~ rơi bộp 1 phát… và “người ra đi đầu không ngoảnh lại” :)) Nhất là khi đọc truyện hiện đại mà “ta-ngươi” thì Den rất… sợ!!! Thậm chí anh chị em, bố mẹ, ông bà cháu mà cũng phang “ta – ngươi” thì đúng là ú ớ thật!!!

Còn về chuyện trót để các bạn chờ đợi, :”> thật sự là rất áy náy! Den cũng cố gắng hết khả năng cho phép, và hầu hết những bộ Den thật sự bắt tay vào dịch thì đều completed. Một số cái hố lỡ đào mà phải dựng lô cốt để đó, gây bức xúc cho “người đi đường” thì là do… nhà thầu đã mua cái lô cốt đó và khi nào có… kinh phí thì mới được phép dọn đi =)) Thành thật xin lỗi cả nhà khi gặp tình huống đó! :”>

Dennis Quyên

( Chủ động BT & MA, người dịch những truyện như “Ai là ai của ai”, ” Mờ ám”,

“Dư vị trà chiều”, “Anh sẽ yêu em…từ cái nhìn đầu tiên”…)

***

Mình chỉ muốn nói là các bạn đừng giục truyện của những người dịch và hãy sửa cái ta-ngươi ở hiện đại thôi :))

Lục Hoa

( Người dịch truyện “Biên Nhược Thủy”, và cùng Lucy dịch “Chết, sập bẫy rồi”)

***

Thích đọc truyện onl (Sau sở thích cầm truyện, he he). Cảm giác từng ngày mong ngóng thật thích. Như có thứ để chờ đợi.
Jini thích đọc truyện của bạn nào dịch/edit một cách cẩn thận, chú tâm. Vì những bản đó thường sẽ mượt mà hơn, đặc biệt thích bạn nào edit mà đọc xong không hề có dư vị của convert. Chứng tỏ người đó đã biết biến của Tàu sang của mình :D. Mong mọi người có thể thay thế những từ Hán việt (không thông dụng) bằng những từ tương đương.

Jini Chen

( Người dịch truyện “Đấu tranh đến cùng cho tình yêu” ,“Láng giềng hắc ám”,

“Thất tịch không mưa”…)

***

Đúng là nhiều truyện dịch từ tiếng Trung bây giờ tuy hay nhưng dịch (hoặc edit) ko được thuần việt lắm, làm đọc cũng chả muốn đọc, thậm chí có những truyện đến cái tên mình đọc cũng ko hiểu là kiểu ngôn ngữ gì luôn ==

Hán Việt đương nhiên vẫn có lúc phải dùng, bởi vì tỷ lệ từ Hán việt trong ngôn ngữ mình cao ngất ngưỡng cơ mà, và còn từ Hán Việt trong một số hoàn cảnh có thể tạo được không khí truyện nữa, nhưng dùng những từ phổ biến và hợp lý, để câu văn mượt một chút, đọc truyện bằng tiếng Việt mà cứ như cv là chán khủng khiếp.

Dù sao thì đều là đọc, dịch, viết truyện onl, mọi người com với nhau lịch sự một tí thì đời cũng đẹp hơn một tí, còn mấy cái com mất lịch sự cũng phản cảm.

Meggie Phạm

( Tác giả truyện “Hoàng tử và em“, “Giám đốc và em”)

***

Các bạn bảo truyện cổ đại có thể dùng từ Hán Việt, nhưng cái này mình nghĩ cũng phải hạn chế. Bởi vì đọc 1 câu không thấy gì, nhưng đọc toàn văn bản, cả 1 chương chẳng hạn, mà thấy toàn từ Hán Việt thì khó chịu và hoa mắt chóng mặt thôi rồi.
Dầu sao cũng nên Việt hóa nó, chỉ để lại 1 số từ Hán Việt thông dụng, hoặc có biến đổi từ Hán Việt theo kiểu dễ hiểu hơn.

Trương Bích Vân – Charon

( Chủ trì nhóm Vfic , người dịch những truyện như “Tan vỡ”, “Bí mật của Emma”…)

 

Còn bạn, bạn có những cảm nghĩ gì?