Tags

, ,


Được sự đồng ý của chị Lãnh Vân ( Mai Châu), xin được giới thiệu cùng mọi người bài viết của chị về những cảm nhận khi đọc 2 truyện trong “Thất niên chi dương” hệ liệt – Khải Ly.

Hiện, bạn Lacoste đang edit truyện Chúng ta ly hôn đi, nằm trong hệ liệt trên. Convert của cả bộ ở Tangthuvien.

Thất niên chi dương – Khải Ly (Review nhảm) *

 

Vài lời trước khi đọc

Bài viết có thể cho biết trước nội dung và kết cục truyện, ai không muốn bị xì poi trước thì có thể đọc truyện trước rồi hãy quay lại đọc!

*Ôm cả nhà*

Lãnh Vân

***

Thật tình, tôi ít khi viết review (bình luận, cảm xúc sau khi đọc một tác phẩm, một truyện, hay sau khi xem phim). Hình như ngoài mấy bài văn bình luận ở trường hoặc được đặt hàng ra thì hầu như số bài tôi viết review một cách tự phát có thể đếm trên đầu ngón tay của một bàn tay. Điều đó không có nghĩa là tôi đã trơ, đã trở nên vô cảm khi đọc/xem một cái gì đó, mà là những suy nghĩ cảm xúc ấy chưa đủ mạnh để thốt thành lời văn.

Nhưng hôm nay, sau khi đọc hết hai truyện trong hệ liệt Thất niên chi dương của Khải Ly thì khác, tôi không thể không thốt lên một cái gì đó, tôi muốn hét, muốn rú, muốn nắm chặt tay lại, muốn rưng rưng lệ, muốn cười to, muốn… nhiều thứ khác. Có lẽ vì cái chủ đề Thất niên chi dương này vốn khá nhạy cảm với những kẻ đã và đang nắm tay người yêu/chồng vượt qua một chặng đường dài như tôi.

 

Trước hết, tên của chủ đề. Thất niên chi dương có thể hiểu nôm na là cái dớp 7 năm. Phàm là người yêu hoặc vợ chồng, luôn có một niềm tin rằng chỉ cần vượt qua cái dớp 7 năm này một cách an toàn thì có thể coi như bền vững dài lâu, vợ chồng sẽ hạnh phúc bên nhau, còn người yêu nhau sẽ thành vợ chồng. Dĩ nhiên có những trường hợp ngoại lệ như  hai người vẫn cố chịu đựng nhau vì con cái, vì lễ giáo, vì này kia, nhưng về mặt tình cảm yêu thương, cái mốc 7 năm vô cùng quan trọng. Với hai người yêu nhau, 7 năm là một khoảng thời gian đủ dài để trưởng thành, để lập nghiệp, để hiểu nhau, để hai gia đình quen thuộc với cả hai người. Nên thường nói, yêu nhau 7 năm nếu không cưới thì nghĩa là chán rồi, bỏ cho xong. Còn với hai vợ chồng, 7 năm sống bên nhau đủ để họ thoát khỏi cái mơ mộng hão huyền mới cưới, khỏi cái háo hức bên nhau, khỏi cái sự bồng bột thanh niên. 7 năm ấy, đủ để họ ngồi lại và tự ngẫm xem mình đang ở mức nào trên cái vạch tình cảm: chỉ còn cái nghĩa vợ chồng, hay tình nghĩa vẫn vẹn nguyên. Với những cặp vợ chồng yêu nhau trước khi cưới, đó đã là một mốc quan trọng đánh dấu tình cảm của họ , nhưng với những cặp vợ chồng đến với nhau vì những lý do khác với tình yêu, đấy lại là một quãng thời gian đủ dài để suy xét xem rốt cục sau 7 năm họ có thể ở lại cùng nhau.

Thất niên chi dương có hai phần chính là về hai kiểu cặp đôi ấy: một đôi vợ chồng chia tay nhau sau 7 năm chung sống, và một đôi tình nhân chia tay nhau sau 7 năm yêu đương. Hay đúng hơn, trường hợp đầu tiên là 7 năm tồn tại cạnh nhau như hai đường thẳng song song, còn trường hợp thứ hai là 7 năm hai đường thẳng dần dần tách xa.

***

Hãy cùng xem cặp vợ chồng thứ nhất. Thậm chí tôi còn khó mà gọi được là mối tình thứ nhất, vì vốn họ đến với nhau không phải bởi tình yêu. Cô gái mang trong lòng mối tình đơn phương của tuổi mười tám mộng mơ, cho rằng mình đã gặp bạch mã hoàng tử, gặp the Charming Prince của đời mình. Cô dâng hiến hết mình cho thần tượng của lòng cô trong một phút gom góp sự dũng cảm của đêm sinh nhật thứ mười tám. Mà không, thật ra ước nguyện đêm sinh nhật của cô chỉ là muốn nắm tay anh một cái. Là anh ta đã bị cô quyến rũ bởi vẻ ngây thơ non nớt của một đóa hoa vừa hé nụ, nên đã tiến tới xa hơn. Cô chỉ câm lặng đón nhận, không từ chối, vì ‘biết đâu chỉ có đêm nay’. Cô vẫn ngây thơ tin rằng có yêu thì mới có tình dục, nên ngây thơ tin rằng anh ta cũng có chút tình cảm gì đó với cô. Và kết quả là cậu bé con của hai người được hai gia đình mang ra làm bàn đẩy cho cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối, nhà gái hài lòng vì cô con gái ‘vô dụng, nhút nhát’ của mình tìm được chỗ dựa cả đời, không phải lo lắng gì nữa, nhà trai ưng ý vì có một cô con dâu hiền lành, nết na. Chỉ có chú rể là lạnh lẽo chấp nhận với suy nghĩ: anh ta đã bị gài bẫy bởi một cô ả quá sức cáo già, mưu mô thủ đoạn. Và bi kịch bắt đầu…

7 năm vợ chồng, 7 năm họ tồn tại dưới một mái nhà, ăn riêng, ngủ riêng. Đến đứa con cũng do anh ta toàn quyền dạy dỗ không cho lại gần cô ngay từ khi nó mới sinh. Sự tiếp xúc duy nhất là hàng đêm anh ta mò vào phòng vợ, và làm cái nghĩa vụ của người chồng dưới ánh đèn bàn vô cùng mờ ảo, luôn luôn có biện pháp bảo vệ để tránh ‘mang họa’ lần thứ hai, rồi cũng câm lặng như thế mà bỏ về phòng đi ngủ. 7 năm, cô mang danh là nữ chủ nhân ngôi nhà, là phu nhân của tổng giám đốc tập đoàn Kình Vũ nổi danh, nhưng không khác gì một cái bóng le lói trong căn nhà ấy, đến mức đứa con trai 7 tuổi của cô (vốn bị ba nó dạy dỗ thành một người máy vô tình vô cảm) cũng chỉ biết, à mẹ đang ở đâu đó trong căn nhà. 7 năm, cho tới khi cô một lần nữa gom góp đủ sự dũng cảm để làm lại cuộc đời bằng câu nói run rẩy “Chúng ta ly hôn đi!” Và chồng cô trả lời “Được!” mà không thèm ngẩng đầu lên khỏi đống giấy tờ công việc trước mặt.

Tới đây, tôi mừng cho cô. Tới đây, tôi mừng là cô, ở cái tuổi hai mươi lăm, đã nhận ra cái cuộc sống hay đúng hơn là cái sự tồn tại của cô trong 7 năm qua nó vô nghĩa tới thế nào. Thậm chí tôi hi vọng cô đến với anh chàng quản lí của cô, người ở bên động viên cô phấn đấu: chẳng có gì là muộn cả, không có sở trường thì làm việc sẽ thêm kinh nghiệm, không có kiến thức thì đi học tiếp.

Nhưng không, anh chồng cũ của cô, sau 7 năm ‘trả thù’ vợ bằng việc hoàn toàn phớt lờ sự tồn tại của cô ngoại trừ lúc anh cần giải tỏa ham muốn của đàn ông, anh ta nhận ra rằng anh ta đã thay đổi sau khi kết hôn. Trước khi kết hôn anh ta thích kiểu phụ nữ như mèo hoang, có cá tính, hoang dại, có kinh nghiệm trong phòng ngủ. Nhưng giờ anh ta đã quá quen với cô vợ ‘thụ động, trắng trẻo, có mùi hoa lài’ của mình nên không thể tìm ai khác thay thế. Vì vậy anh ta quyết định… bắt cô về. Thậm chí tôi không thể gọi là theo đuổi hay cướp cô về, mà là bắt cô về, như bắt một con mèo con đi hoang về chuồng xích cổ lại, như bắt một con gà xổng chuồng về nhốt kín. Ừ thì anh ta không biết yêu, không biết đến tình cảm vợ chồng trước đó. Nhưng liệu có thể có chuyện một người đàn ông nghiện làm tình với vợ mình trước khi thật sự hiểu cô, nói chuyện với cô, yêu cô hay không? Và cái tình yêu đấy nếu có đến liệu có thể đến chỉ sau nửa tháng hay không? Khi mà chỉ mới nửa tháng trước, toàn bộ khái niệm của anh ta về vợ mình chỉ là ‘thụ động, trắng trẻo, và có mùi hoa lài’? Tôi không tin, vì trước khi cưới, họ đã quen nhau tận 3 năm (anh ta làm gia sư cho cô khi học trung học) mà anh ta cũng có thèm biết đến cô đâu. Có thể điều đó hợp lý, khả dĩ xảy ra, nhưng tôi… vẫn ghét sự phát triển như thế. Và tôi vẫn ghét việc cô ấy vẫn quay lại với anh ta, dù cô ấy cũng hoãn việc tái hôn của họ thêm 3 năm nữa. Trong lòng tôi vẫn day dứt, day dứt vô cùng với cặp đôi này cũng như với phần cuối của truyện… dù cuối truyện họ đã quay lại với nhau, một kết thúc ấm áp viên mãn làm hài lòng mọi người – trừ tôi.

***

Quay lại với mối tình thứ hai, có lẽ gọi là mối tình được, vì họ bên nhau tận 7 năm trước khi cô gái lạnh lùng thốt lên câu “Chúng ta chia tay đi!” và chàng trai trả lời theo quán tính “Được!” như thể cô vừa hỏi “chúng ta đi ăn lẩu nhé!” hay “chúng ta hôn nhau đi!”.

Anh ta, ngược lại với đại thiếu gia trong câu chuyện trước, là một kẻ tự vươn lên bằng hai bàn tay của mình, nên rất quý trọng đồng tiền mình làm ra, tới mức có thể bỏ quên cô bạn gái suốt vài lần sinh nhật. Anh ta, trong đầu luôn có giấc mơ ‘làm tổng giám đốc, lương 100.000 tệ, mua nhà đẹp, cưới vợ, sinh ba đứa con đẹp như tiên, hàng năm đi di lịch nước ngoài, con cái học ở những trường cao cấp nhất…’ nên không ngừng cố gắng, không ngừng tăng ca, không ngừng làm việc. Anh ta, ngoại trừ khi bắt đầu theo đuổi cô, còn lại đều bị động, cô nói gì cũng ừ, cô bảo gì cũng được, bảo đi Đông không dám đi Tây, bảo ăn mì đố dám ăn phở. Anh ta, trả lời như  một cái máy “Được, anh luôn nghe theo em mà!” khi cô dằn dỗi “Sau này em đòi chia tay anh không được đồng ý!”. Anh ta, luôn nghĩ chỉ cần cô hài lòng, còn muốn anh làm gì cũng được, kể cả buông tay cô… mãi mãi

Cô, một cô gái được chiều chuộng nâng niu từ bé do là con gái út trong gia đình có ba anh em, từ nhỏ tới lớn sống trong sự quan tâm chăm sóc của mọi người. Cô, một cô gái tự nhận mình có vẻ bề ngoại của một cô nương yếu ớt nhưng có cá tính của con trai: cứng rắn, có nguyên tắc sống rõ rệt. Một trong những nguyên tắc đó là cô chỉ để một người duy nhất trả tiền giúp khi đi ra ngoài ăn uống các kiểu: người yêu cô. Và nguyên tắc đó cũng là thứ thu hút anh đến với cô. Nhưng cô cũng là người chủ động lùi bước để anh tiến tới trong công việc. Cô lặng lẽ tới nhà nấu cơm, giặt đồ, quản lí tiền nong cho anh. Cô lặng lẽ thu mình lại không đòi hỏi anh quan tâm. Và cô cũng lặng lẽ nuốt những giọt nước mắt vào lòng khi đồng hồ điểm mười hai tiếng và sinh nhật của cô trôi qua. Sinh nhật cô vào ngày 26 tháng 12, ngay sau ngày Giáng Sinh, nên là một ngày vô cùng quạnh quẽ, khi mọi người đã tiệc tùng chán chê, khi những con đường trở nên vắng lặng, khi người người đã tản đi sau những tụ họp hôm qua. Mong ước lớn nhất của cô chỉ đơn giản là có anh ở bên, ăn những món cô nấu, nếm chiếc bánh cô làm bằng cả tình yêu của một người con gái vốn chưa hề động vào bếp núc trước khi yêu anh và có thể làm một chiếc bánh ngọt trà xanh đậu đỏ vô cùng phức tạp sau 7 năm yêu anh. Và mong ước ấy, cô cũng mãi mãi cất vào tim.

Đọc xong truyện tôi tự hỏi, nếu không có đứa bé trong bụng cô, liệu anh ta có động lực nào để phấn đấu giành lại cái tình yêu chính mình làm nguội lạnh hay không? Anh ta không phải không yêu cô, thậm chí yêu hơn cả chính bản thân mình, nhưng anh ta vốn không biết cô cần anh, muốn anh ở hiện tai, chứ không phải ở cái tương lai anh làm tổng giám đốc, lương cao 100000 tệ, có nhà lầu, có ba con… Nếu không có đứa con ấy, liệu có phải anh ta sẽ vẫn nghĩ chỉ cần anh ta buông tay là cô sẽ được hạnh phúc hay không?

Tác giả không viết theo hướng ấy, nên câu hỏi này mãi còn dang dở. Ngay cả chi tiết anh ta bị mất trí nhớ rồi hồi phục trí nhớ cuối truyện tôi thấy cũng không cần thiết. Tôi thà để truyện dừng lại khi anh ta cầu hôn bằng một trăm đóa hồng trước cửa công ty cô và cô nhận lời là đủ. Thậm chí để cô sinh con, vài năm sau anh ta mới biết và hiểu ra và chinh phục lại cô để họ thật sự có khoảng lặng suy nghĩ về mọi chuyện sau khi chia tay thay vì sau ba tháng như trong truyện. Do đó, phần cuối của câu chuyện này tôi cũng không hài lòng.

***

Nhưng thôi, tôi không phải tác giả, tôi chỉ đọc, và ngẫm nghĩ một mình. Tôi chỉ nghĩ về cái dớp 7 năm của những người yêu nhau, bao nhiêu cặp đã vượt qua và sống hạnh phúc (cho tới giờ phút này). Tôi chưa tới được cái dớp ấy thì đã lấy người tôi yêu. Chúng tôi cưới nhau cũng chưa đủ một chứ đừng nói 7 năm để nói điều gì về kinh nghiệm bản thân. Điều duy nhất tôi có thể làm, chỉ là nhìn vào câu chuyện này, hai câu chuyện này, để ngẫm nghĩ về tình yêu, về cuộc sống vợ chồng, về việc mãi đuổi theo cái mơ ước xa xôi mà quên mất rằng, cuộc sống hiện tại mới là cái ta đang sống.

Có lẽ, thế là đủ, nhỉ, dù cho câu chuyên phía sau có phát triển thế nào. Ít nhất, câu chuyện của tôi sẽ không giống như họ!

Và ít nhất, tôi làm bánh ngon hơn cô gái kia, còn chồng tôi rất ngoan ngoãn nếm bánh của tôi làm! ^o^

 

Lãnh Vân

 

* Đây là tiêu đề gốc của bài viết. Tiêu đề mới là do TC mạn phép đặt lại.