Tags

, , , ,


Được sự đồng ý của Lily, Hội đăng lại bài cảm nhận của bạn ấy về tác phẩm  “Hương mật tựa khói sương” – Điện Tuyến, Maroon dịch.

Húc Phượng – Nhuận Ngọc: Giang sơn mỹ nhân, người chọn ai

Húc Phượng và Nhuận Ngọc như hai cực trái dấu trong Hương Mật tựa khói sương, không ai chính, cũng chẳng ai tà. Hai người như hai đầu cán cân giữ cho trời đất cân bằng, giữ cho câu chuyện tình yêu giữa bọn họ và Cẩm Mịch trở nên kịch tính. Có thể nói Điện Tuyến đã rất thành công khi xây dựng cái tam giác tình yêu này, nhất là hai cực Húc Phượng và Nhuận Ngọc.

Húc Phượng người cũng như tên, tên cũng như số phận, nóng bỏng và rực rỡ, chữ Húc bộ Nhật dịch ra nghĩa là ánh sáng mặt trời mới mọc, đó chẳng phải chính là số phận của hắn sao. Là con nhà đế vương, lại do chính Hậu sinh ra, pháp lực hơn người, thông minh sáng sủa, được muôn người yêu thương, vạn người kính nể, cuộc đời của hắn phải nói là bằng phẳng, rực rỡ, chói đến lóa mắt. Hắn là người chỉ cần là có, chỉ cầu là được, cho nên tình yêu của hắn cũng nóng như bản tính thượng Hỏa của hắn. Đúng, là nóng bỏng và nồng nàn. Một khi hắn xác định bản thân yêu Cẩm Mịch, khi hắn xác định hắn muốn có nàng, hắn liền không buông tay như câu khẳng định bá đạo của mình: “Ta không cho phép nàng gả cho Dạ thần.” Nàng là của hắn, dù có chống lại mẫu thân của mình, hắn cũng chọn nàng, tình yêu của hắn giành cho đóa hoa này rực rỡ như nắng sớm mai, nóng bỏng như lửa mặt trời, tình nguyện thiêu đốt cả hắn cùng nàng chỉ để có được nàng.

Còn Nhuận Ngọc, không phải là vô tình mà anh là Dạ Thần, khí chất của anh, phong thái của anh, ngay cả cái tên anh cũng đạm mạc như nước, thanh khiết như trăng. Chữ Nhuận trong tên anh chứa bộ Thủy nghĩa là nhuần nhã như nước, nó đối nghịch hẳn cái nóng bỏng như lửa của Húc Phượng. Nếu Húc Phượng chói lòa như mặt trời ban trưa thì Nhuận Ngọc lại dịu dàng như ánh trăng lúc đêm về. Tình yêu của anh cũng nhẹ nhàng như thế, ngọt ngào như thế, chỉ như ánh trăng khẽ mân mê ấp ủ cho cánh hoa mỏng manh đó. Ai nói Nhuận Ngọc không yêu Cẩm Mịch, ai nói đó chỉ là lợi dụng để có được ngôi vị đế vương. Trước khi biết Cẩm Mịch là con gái Thủy thần, chẳng phải Nhuận Ngọc đã trầm luân vào mùi hương của đóa hoa ấy sao. Lợi dụng là thật nhưng tình yêu cũng không hề là giả. Phải làm sao đây khi nàng cứ hờ hững như thế, phải làm sao đây khi kế hoạch trả thù đã chuẩn bị cả ngàn năm. Thù không thể buông, mà nàng lại càng không thể buông, chỉ có thể cùng lôi nàng vào, rồi sau này sẽ dùng cả đế vị mà đặt dưới chân nàng, bù đắp cho nàng, dùng tình yêu chuộc lại lỗi lầm ngày hôm nay. Nhưng trăm tính ngàn tính vẫn không bằng một sợi tơ duyên. Hắn chết, anh có được đế vị nhưng lòng nàng cũng đã chết theo hắn. Nàng tình nguyện bị thiêu đốt dưới ánh mặt trời nóng bỏng chứ không chịu nhận lấy ánh trăng dịu dàng của anh. Cũng là bảy màu rực rỡ nhưng nàng lại chọn cây Phượng linh lóa mắt ấy chứ không phải cầu vồng đưa nàng về bên anh. Là sai sao khi anh muốn có cả giang sơn lẫn mỹ nhân.

Giang sơn mỹ nhân, người chọn ai?

Nhuận Ngọc muốn cả hai, nên đã mất mỹ nhân.

Còn Húc Phượng? Không phải hắn không tuyển giang sơn mà hắn luôn tự tin, ở đâu hắn cũng sẽ tạo được giang sơn cho riêng hắn và nàng. Có lẽ sự tự tin như ánh mặt trời ấy mà hắn có được đóa hoa hắn muốn. Còn Nhuận Ngọc, chính vì sợ mất cả hai, chính vì sự tự ti năm xưa còn vương vấn, chính vì thù hận át mất trái tim nên đã lỡ mất nàng. Trước một kẻ vô tâm vô phế như Cẩm Mịch thì xuất phát điểm của hai người có lẽ là như nhau nhưng người biết mình muốn gì và chỉ hướng tới mục tiêu duy nhất đó đã thành công, còn kẻ tham lam muốn tất cả cuối cùng chỉ còn lại tịch mịch như bóng đêm treo trên dải Ngân Hà.

Từ xưa đã vậy, giang sơn mỹ nhân, không, là giang sơn và tình yêu, người chỉ có thể tuyển một.

 Lily